Natalie
Clifford Barney sanh tại Dayton (tiểu bang Ohio, Hoa Kỳ) vốn xuất thân
từ gia đình giàu sang trải qua nhiều thế hệ. Cha là Albert Clifford
Barney vốn thừa kế sản nghiệp kỹ nghệ làm vật liệu cho ngành hỏa xa
thiết lộ nổi tiếng khắp vùng. Mẹ là Alice Pike vốn đẹp cao sang thanh
thoát lại có tâm hồn nghệ sĩ, giỏi về môn hội họa, nổi tiếng trong giới
văn nghệ sĩ ở Thủ Đô Hoa-thạnh-đốn, Luân-đôn và Ba-lê . Bà thường đưa
hai cô gái cưng của mình qua viếng Paris và ở đó trong khoảng thời gian
khá lâu để tiếp xúc với các giới tai to mặt bự, giới văn nghệ sĩ Âu Châu
lẫn các danh nhân danh sĩ từ khắp hoàn vũ đổ về. Trên Natalie còn có
người chị gái là Laura Clifford Barney. Nathalie đẹp, thọ hưởng ở cha mẹ
màu tóc hoàng kim óng ánh mà danh kỹ Liane de Pougy tặng cho cô ta cái
xước hiệu là Moonbeam (Rayon de Lune/ tia sáng của trăng). Nathalie có
nền giáo dục hoàn bị. Cô yêu tiếng Pháp cùng xứ sở và nền văn minh Pháp
nên gia tâm học tiếng Pháp đến mức độ tuyệt hảo toàn bích. Năm 1886 tới
năm 1889, cô sang Pháp ở nội trú trường tư thục danh tiếng Les Ruches
tại thành phố Fontainebleau. Ở chung đụng với các thiếu nữ kiều diễm
thuộc con dòng cháu giống, cô nhận thấy rõ rệt cái khuynh hướng tình cảm
lẫn tình dục của mình: yêu kẻ đồng phái tính. Năm 1889, cô lại trở qua
Âu Châu, gặp thiếu nữ giới trưởng giả là Eva Palmer và cô đã hưởng được
khoảng thời gian tình ái say đắm tuyệt vời với cô nàng Eva này. Năm
1899, cô định cư luôn ở Paris, để hưởng thú tự do tình dục và xã hội
thời thượng trong văn giới. Natalie mua một ngôi nhà có lầu gác ở 20
đường Jacob để tiếp đãi văn nghệ sĩ. Nơi đó cũng là chỗ tụ họp các cô
”lết”, cô ”bi” trong những cuộc tế lễ nữ thần thi ca Sapho mà cô
mệnh danh là Temple de l’Amitié (Đền Thờ Tình Bằng Hữu).
Mối
tình say đắm đầu tiên của Natalie Clifford Barney là danh kỹ Liane de
Pougy. Cô giốc tiền túi hằng ngày để mua hoa tặng Liane de Pougy. Liane
cám ơn qua những bức thư du dương tha thiết:
”Hai vòng bánh
xe lăn, một tiếng nghiến rít trên cát, này đây cô em Natty của tôi đã đi
, thế là hết, em mang theo cái hình ảnh tóc vàng xinh đẹp của tôi. Và
người ta vào nhà tôi, giao lại cho tôi những bông hoa tặng của em, đó là
những đóa hồng trắng trinh, những đóa hồng đỏ thắm, những hoa tử la lan
(pensées), hoa thanh thúy (bleuets), nhưng hoa thủy tiên và hoa lưu ly
thảo lại nhiều hơn”.
”Kẻ si tình tôi, ấy là em đấy! Và em
lại buồn bã, nhưng ngày mai em sẽ trở lại và chúng ta sẽ cùng đi dạo, xa
khuất hẳn nghe em, trong một góc nào đó của kinh thành Paris”.
‘ ‘Tôi cảm thấy xa tất cả, tất cả. Natty ơi, em có yêu tôi không? Ta
phải chịu u sầu suốt ngày th? sáu khi trời giăng mưa. Cô em Natty bé
bỏng của tôi, những gì tôi làm có thể được dùng vào việc gì đây? Hãy cho
tôi can đảm, hãy vuốt ve linh hồn chết héo của tôi, hãy để tôi ngủ thật
lâu, phải, thật lâu, Natty nhé, và hãy đánh thức vào tháng năm xuyên
qua khung trời nắng ấm…”.
Trong thời gian dan díu với Liane
de Pougy, Natalie Clifford Barney vào năm 1990 cho xuất bản tác phẩm đầu
tay của mình. Đó là thi tập ”Quelques Portraits – Sonnets de Femmes”
(Vài Chân Dung-Thi Phẩm Của Nữ Lưu). Trong bài Tựa, Natalie giải thích
rằng mình viết tác phẩm này bằng tiếng Pháp, bởi vì đó là thứ ngôn ngữ
độc nhất làm cho cô trầm tư một cách thi vị. Cô cũng tin tưởng rằng tâm
hồn cô là nấm mồ của các thi sĩ Pháp. Và cô kết luận rằng: ”Sau hết,
không có gì làm cho quí ngài phải ngạc nhiên về tôi: Tôi là một phụ nữ
Hoa Kỳ”.
*
* *
Natalie Clifford Barney không thể giữ
mãi Liane de Pougy làm người tình muôn thuở của mình vì Liane cần phải
hành nghề buôn hương bán phấn mới có bạc tiền ăn xài huy hoắc. Đã là kỵ
nữ, người đẹp Caroline Otéro tuyên bố một câu ngon ơ: ”Tiền bạc đâu thể
đến với cô gái điếm ban đêm ngủ một mình!”. Nữ sĩ xinh đẹp Natalie
Clifford Barney tuy giàu sụ, nhưng cũng chỉ thừa kế của cải phụ ấm, đâu
bằng những kỹ nghệ gia tiền rừng bạc biển, đâu bằng các nhà quý tộc và
các lãnh chúa có ruộng đất bao la thu hoạch hoa lợi hằng năm cả núi bạc
đụn vàng. Vả lại dan díu với Natalie Clifford Barney mà phải chơi trò
đánh chập chõa đêm này sang đêm nọ, Liane de Pougy vốn là mụ ”bi” đâm
ra thèm thú xỏ kim. Cho nên Liane phải trở về cuộc đời bán dạng thuyền
quyên như cũ. Tới tuổi 41, nàng kết hôn với ông hoàng Lỗ-ma-ní với t?ớc
hiệu quý tộc Comte de Ghika, nhỏ hơn nàng 15 tuổi.
Rồi đó,
Natalie Clifford Barney gặp Renée Vivien, một cô thiếu nữ Anh mới bước
vào làng văn chương nữ giới nước Pháp. Nữ sĩ ”lết” Lucie Delarue
Madrus miêu tả cô ta như sau:
”Đó là một thiếu nữ tóc vàng, trẻ
trung, vai xuôi, mắt nâu, phục sức không theo thời trang thanh lịch,
dáng dấp thật là dân Anh. Giọng nói cô ta mềm nhão, nhưng đúng là giọng
dân Anh (…). tuy nhiên có một điều là ở cô ta, chúng ta không thể
quên: đôi mí mắt mỏng, chĩu nặng và đôi rèm mi đen lánh. Người ta có
thể bảo rằng cái đặc sắc của cô ta chỉ hiển lộ khi cô ta hạ cặp mắt nhìn
xuống…”
Marcelle Tinayre**, một nữ sĩ ”lết” khác khi Renée Vivien vừa tới Paris liền viết:
”Renée Vivien xuất hiện dưới mắt tôi là một thiếu nữ xứ Anh, cao ráo,
kiều nhược, tóc màu hạt dẻ lợt vẫn còn giữ ánh phản chiếu óng vàng gần
như mờ nhạt của màu tóc vào tuổi ấu thơ. Đôi mắt u tối, một cái miệng
nhỏ xanh xao, một cái cằm thật dầy, một giọng nói dịu nhẹ, thánh thót.
Cô ta mặc chiếc áo màu hoàng hôn xám, có in hoa, với sợi giây nịt kết
hoa hồng trắng, hoa trở nên óng bạc trong ánh sáng và trở nên màu lục
trong bóng tối. Trên mái tóc chải phồng lớn chiếc nón bằng thứ lụa the
lóng lánh sắc hoàng kim, có giắt lông chim đen”.
Marcelle
Tinayre là bạn thân của Renée Vivien, nhưng không có sách vở nào nói cô
ta đã từng đánh chập chõa với nhà thơ nữ kiều nhược kia không? Ngày đưa
đám Renée, Marcelle cũng có đi dự và cùng với Bá tước phu nhân Hélène de
Zuylen và em gái của Renée là Antoinette Alston phải tốn nhiều nước
mắt.
Renée Vivien rất ngưỡng mộ sắc đẹp quý phái và tài hội
họa của bà Alice Pike Barney, mẹ của Natalie Barney. Bà ta đích thân vẽ
chân dung của các cô bạn gái của Natalie treo đầy phòng khách của cô ái
nữ của mình. Renée Vivien đã ca tụng người trung niên mỹ phụ ấy như
sau:
Sự huyền bí chập chờn trên nhan sắc sát nhân của người
Chẳng có chút lạnh lẽo của bầu trời quê hương chúng tôi
Và đôi mắt người, nơi đó giấc mộng phương Đông rũ rượi
Giống như tìm kiếm hoài hoài Tổ Quốc xa xăm.
Natalie
đối với Renée qua hai tính chất: khi thì như một tình lang, khi thì như
một tình nương, nghiêm khắc như thái tử Hamlet và xanh xao như tiểu thơ
Ophélia trong vở bi kịch ”Hamlet” của Shakespeare. Cho nên Renée Vivien cảm hứng qua bài thơ:
Người đi qua, trong ánh chớp của cơn điên tuyệt đẹp
Cũng như Nàng tặng những bài hát và những bông hoa
Cũng như Chàng, dưới niềm kiêu hãnh tước đoạt những cơn đau
đớn của người
Dù rằng cái nhìn chăm chú của người lờ đi.
*
Mỉm cười đi, hỡi cô tình nương tóc vàng, hãy mơ mộng đi, hỡi anh
tình lang tối tăm
Và xác thân người với niềm hăng hái lạnh lẽo của một ngọn nến
Con tim bất an của em bối rối khi em thấy
Vầng trán người trầm tư như trán ông hoàng và đôi mắt người xanh thẳm như mắt cô trinh nữ
Khi thì Kẻ Này, khi thì Người Khác.
Vốn có tánh bay bướm, Nathalie dan díu với nhiều cô nữ sĩ ”lết”khác
nên Renée Vivien, có lần mua súng toan giết Olive Custance. Cô nàng Bướm
Ngọc này đã từng gợi hứng cho Renée Vivien nhưng câu thơ như sau:
Đôi mắt em màu lục biếc như bình minh và xanh như sương mù
Không gặp gỡ đôi mắt đen huyền bối rối của tôi
Bởi niềm đau khổ của tôi ấp yêu em một cách hòa điệu
Ôi bông huệ trinh khiết, ôi sắc trắng nõn của mây và của bọt biển!
Sau đó, nhắm không thể ăn ở dài lâu với Natalie Clifford Barney nên
Renée Vivien xin rút lui. Nàng sống chung với Nam tước phu nhân Hélène
de Ruylen, dáng người mập mạp nên thời nhân trong giới văn học nghệ
thuật gọi bà ta là La Brioche (ổ bánh mì ngọt phồng to).
Sau
khi hay tin Renée Vivien từ trần, Natalie Clifford Barney quá xúc động
nên cô thức trắng năm canh. Cô có cảm đề bằng những câu thơ thấp thoáng
bóng dáng tâm linh triết học như
sau:
Và tôi gọi tên em từ hơi thở cuồng nhiệt và thuần khiết
Và tôi nghe gió đưa đến tôi như tiếng thì thào
Của giọng nói em: Quá Khứ có phải là Tương Lai chăng?
Rồi trong buổi viếng mộ Renée Vivien tại nghĩa trang Passy, Natalie có
đề những câu thơ bằng tiếng Anh, xin được dịch qua bản dịch Pháp văn
như sau:
Này đây cánh cửa mà nơi đó tôi bước ra
Ơi nhưng bông hường của tôi, những gai nhọn của tôi!
Quan trọng gì đâu thời xa xưa? Tôi say ngủ
Vừa chiêm bao những điều thần thánh.
*
Này đây tâm hồn tôi hớn hở
Vì nó lắng dịu và ngủ yên
Vì được tình yêu của Thần Chết
Tha thứ tội ác này: Cuộc Sống.
Trong thời gian dan díu với Renée Vivien, Natalie Clifford Barney vi?t
các quyển ”Je Me Souviens” (Tôi Nhớ Lại), ”Souvenirs Indiscrets”
(Những Kỷ Niệm Phơi Bày), ”Autobiographie” (Tự Truyện), ”Cinq Petits
Dialogues Grecs” (Năm Cuộc Đối Thoại Hy-lạp Nhỏ)
*
* *
Vào
thập niên 10, Natalie gặp một văn nhân quý tộc Remy de Gourmont trồng
cây si. Ông ta tặng cho nàng cái xước hiệu Amazone ***. Remy de Gourmont
vốn là ký giả, phê bình gia, tiểu thuyết gia, thi sĩ, nhà biên khảo,
triết gia. Ông ta lại là nhà sáng lập tạp chí Le Mercure de
France****(Giao Thương Của Nước Pháp). Vào thời trẻ, ông ta đẹp trai,
thích náo động, bay bướm. Nhưng về già thì ông ta héo tàn bởi bịnh tật,
ít muốn tiếp xúc với thiên hạ, trừ văn nghệ sĩ và trừ những kẻ có liên
quan với nghề nghiệp ông ta . Ông ta vẫn biết Natalie Clifford Barney
thích ăn nằm với phụ nữ. Nhưng điều đó mà nhằm nhò chi đối với ông ta
khi ông ta được tiếp xuc với cô nàng nữ sĩ gốc Hoa Kỳ có cái tinh thần
cứng rắn của trang hảo hán trượng phu nhưng vẫn giữ một thân vóc kiều mị
uyển chuyển của một mỹ nhân kia.
Trong lúc kết bạn tâm giao, Natalie
Clifford Barney quyết kéo Remy de Gourmont thỉnh thoảng ra khỏi cái thế
giới bút mực và cái thế giới thời thượng từ bến tàu Voltaire, đến hai
tiệm cà-phê Flore và Aux Deux Magot và đến bàn giấy ông ta để ông ta
tiếp xúc với đời sống, với thiên nhiên. Cô ta lôi ông ra khỏi tháp ngà
ẩn cư , rồi dùng ô-tô đưa ông đi dạo rừng Boulogne dập dìu tài tử giai
nhân, để ông ta ngắm ánh trăng lóng lánh trên hồ. Cô tặng cho ông bạn
trí thức kia nào là bưu ảnh, giấy Nhật Bản cho ông viết thư, cái tráp
nhỏ đan bằng cói và nhất là hoa. Đặc biệt nhất là cây đèn tọa đăng để
ông ta thắp trên án thư, để ông ta đọc sách hay viết lách.
Remy gửi
thường trực cho Natalie Clifford Barney những bức thư từ tháng giêng
dương lịch năm 1912 đến tháng 10 dương lịch năm 1913 đăng lần lượt trên
tạp chí Le Mercure de France. Đó là những bức thư sau này được gọi là
”Lettres Intimes A L’Amazone” ( Những Bức Thư Thân Mật Gửi Cô Nàng
Amazone).
Đệ nhất Thế Chiến bùng nổ. Natalie không chạy trốn qua Hoa
Kỳ. Cô ta cương quyết ở lại nước Pháp và cho rằng Remy cần cô ta. Nhưng
cô ta không có dịp thăm viếng Remy Gourmont khi ông ta nằm tại bịnh viện
Boucicault và ông ta từ trần vào ngày 27/09/1915. Natalie xin với người
em của Remy là Jean de Gourmont trả lại cây đèn tọa đăng mà cô ta đã
tặng cho Remy. Và tại biệt thất của mình, đêm đêm cô ta thắp đèn lên
hoài niệm một văn nhân tuy kết bạn với mình chưa được bao năm nhưng mối
thâm giao vô cùng nồng thắm.
Trong thời gian dan díu với Renée Vivien
và trong thời kỳ làm bạn Remy de Gourmont, Natalie Clifford Barney tằng
tịu với và vài phụ nữ nữ khác, chẳng hạn: Nữ Công tước Elizabeth de
Gramont, nữ sĩ Lucie Delarue Madrus, Dolly Wilde (cháu gái của văn hào
Oscar Wilde)… Vốn là con gái của Công Tước Duc de Gramont và Quận Chúa
Beauveau-Craon, Elisabeth de Gramont sinh năm 1875, lớn hơn Natalie một
tuổi. Bà kết hôn với Công Tước Philippert de Clermont-Tonnerre vào năm
1896 và ly dị vào năm 1920. Kết quả cuộc hôn nhân kéo dài 24 năm là hai
cô con gái Diane và Beatrix. Khi viết lách, bà không lấy tước hiệu quý
tộc của chồng làm bút danh mà lấy tước hiệu quý tộc của mình là
Elisabeth de Gramont. Bạn bè thân của bà gọi bà là Lily. Bà ham mê đọc
sách gần như cuồng tín. Kiến thức của bà rộng mênh mông. Sắc diện bà rực
ánh hồng tuơi, mắt bà xanh như thúy ngọc nhưng có ánh phản chiếu màu
bích ngọc. Các anh bà đùa: ”Lily có cặp mắt con sò”. Bức chân dung của
bà do nữ danh họa ”lết” Romaine Brooks vẽ được in trên nhiều báo chí
và nhất là trong sách vở của văn nghệ sĩ đương thời. Bà viết quyển
hồi ký dầy cộm tựa đề là ”Souvenirs du monde” (Kỷ Niệm của Thế Giới)
gồm 4 quyển: ” Au Temps Des Équipages” (Vào Thời Gian Của Các Hành
Đoàn), ”Les Maronniers en Fleur’ (Cây Ma-rông Nở Hoa), ”Clair de Lune
et Taxi-auto” (Ánh Trăng và Xe Tắc-xi), ”La Troisième Heurre” (Giờ
Thứ Ba). Tất cả đều do nhà xuất bản Grasset chăm lo. Bà còn viết một
quyển về văn hào Proust, tài liệu không được bao nhiêu, nhưng kỷ niệm
giao du giữa văn hào và bà thì khá nhiều. Bà ăn xài hào phóng, giao du
với các văn nghệ sĩ nổi danh đương thời, từ Maurice Barrès cho đến
Anatole France. Trong nhóm dân mondaine kia, bà gặp ông Rappoport. Đó
là một chánh trị gia dùng đủ mọi điêu ngôn xảo ngữ để lôi kéo bà vào
vòng tin tưởng rằng chủ nghĩa Cộng Sản sẽ đem lại cho nhân loại một thế
giới mới. Thích thú trước cam ngôn mỹ từ của Rappoport, bà bị lọt vào
tròng của nhà chính trị say mê chủ thuyết Mác & Lê kia. Sau Đệ nhất
Thế Chiến, bà sang viếng Nga hai lần, rồi chẳng hiểu bà có sáng mắt sáng
lòng với cái chủ nghĩa bánh vẽ kia không, nhưng bà không ưa màu đỏ. Mỗi
khi có nhóm diễn hành ngoài đường phố, thoáng thấy màu cờ đỏ là bà sa
sầm nét mặt. Bà nổi tiếng là nhà ngoại giao tài ba đã từng hòa giải cuộc
hờn giận giữa Bá Tước Robert de Montesquiou (thi sĩ, tác giả thi tập
nổi tiếng ”Hortensia Bleu”/ Hoa Dương Tú Cầu Xanh) và văn hào Marcel
Proust, tác giả bộ trường giang tiểu thuyết ”A la Recherche du Temps
Perdu” (Đi Tìm Thời Gian Đã Mất) khi cả hai ông ”gai” nầy tranh cãi
thiếu điều cắn xé với nhau.
Lucie Delarue Madrus là một phụ nữ
đẹp không thua Natalie Clifford Barney. Nàng đã từng được Đại Úy Pétain
(sau này nhào qua lãnh vực chánh trị leo lên đến chức Thống Chế) cầu
hôn, nhưng song thân bà từ chối. Khi chưa chồng, nàng ốm yếu, nhất là
yếu phổi. Khi Bác sĩ Madrus cưới nàng về thì vào đêm tân hôn, ông khám
phá ra vợ mình chớm bị bịnh lao, mình còn da bọc xương. Ông săn sóc nàng
cho tới khi lành bịnh, mình mẩy đầy đặn. Nàng cạo nhổ lông măng để có
một tấm thân trắng ngồn ngộn như bột và mịn mát như lụa, như xa-teng.
Lucie Delarue Madrus được Bá Tước Robert de Montesquiou lăng xê vào
trong các buổi hội họp văn chương. Số là ông ta ghét cay ghét đắng người
em họ nổi tiếng về thơ là Bá Tước Phu Nhân Anna de Noailles (vốn là
Quận Chúa Brancovan, tác giả thi tập nổi tiếng ” L’Ombre des Jours”
(Bóng Tối Của Những Ngày). Mụ em này hay đỏng đảnh phách lối với ông.
Cho nên ông muốn đem Lucie Delarue Madrus làm khắc tinh của mụ, cốt để
làm hào quang mụ phai úa chút ít. Ai ngờ sự thành công của Lucie Delarue
Madrus dù không lấn át nổi Anna de Noailles, nhưng nổi tiếng lừng lẫy
trong giới văn chương phụ nữ đương thời.
Lucie Delarue Madrus
cầm lòng không đậu trước cái đẹp sắc sảo và trước cái duyên dáng thâm
trầm của Natalie Clifford Barney. Cho nên trong thi tập ”Nos Secrètes
Amours”**** (Những Mối Tình Bí Ẩn Của Chúng Tôi), Lucie hạ bút đề thơ
như sau:
Những sợi tóc em còn mãi trong đáy thẳm của cái nhìn của tôi
Cũng như kỷ niệm của ánh trăng
Và tôi yêu dấu cái đốm quái chướng ấy
Nó trải nhẹ khắp nơi và chiếu sáng lại trong buổi chiều.
Riêng người đẹp tóc hung Eva Palmer và nữ thi sĩ Renée Vivien cũng thèm muốn ăn nằm với Lucie Deladrue Madrus.
Lucie
Delarue Madrus là một nữ sĩ có trên 70 tác phẩm vừa thơ, vừa truyện
ngắn, truyện dài, tiểu sử, biên khảo, phê bình. Đó là không kể những bài
vở như những câu chuyện kể, những bài phê bình về văn chương và âm
nhạc, những bài
tường thuật về những chuyến du lịch đăng trên báo
chí. Về tiểu thuyết, Lucie đã cho xuất bản những cuốn tiêu biểu như sau:
”Marie, fille-mère” (Marie, Cô Gái Mẹ), ”L’Ange et le Perverse”
(Thiên Thần và Thói Xấu), ”Une Femme d’Âge Mur” (Người Đàn Bà Luống
Tuổi”… Còn về thơ, nàng đã có những thi tập tiêu biểu, đại khái như
sau: ”A Maman” (Gửi Về Mẹ), ”Mort et Printemps” ( Cái
Chết Và Mùa Xuân)… Tiếc thay tên tuổi nàng dần dà bị mai một trong bóng tối
quá khứ một cách bất công.
Bác sĩ Madrus, chồng của Lucie Delarue Madrus có lần thổ lộ với Natalie
Clifford Barney là muốn có một đứa con với cô ta, và đề nghị cô ta cùng
sống với vợ chồng ông theo kiểu bộ ba (ménage à trois) nhưng Natalie
dảy đành đạch không ưng. Riêng cái đàn ông tính rực rỡ của ông càng làm
cho Renée Vivien thêm tởm thêm ghét.
Natalie Clifford Barney
còn dung dăng dung dẻ với với nữ sĩ Yvonne Vernon, tức là Nữ bá tước
Sabini được mệnh danh là ”người đẹp tóc hoàng kim” (la beauté blonde).
Nữ sĩ quý tộc nầy ưa du lịch xứ Trung Hoa và xứ Nhật Bản, viết sách về
hai xứ này để giới thiệu khách du lịch ưa mơ tới miền Viễn Đông. Yvonne
Vernon biến căn appartment của mình thành ra một thiên đường Đông
phương. Nhà thơ Paul Leclercq mô tả thiên ???ng ấy như sau:
” … một căn phòng nhỏ huyền bí được căng những thứ lụa xưa (…), nơi
đó mùi trầm hương thấm sâu khứu giác trộn lẫn mùi trà xanh, và có trải
những chiếc chiếu Trung Hoa trên thảm”.
Bày biện trang hoàng
theo kiểu Viễn Đông này về sau được Renée Vivien nối gót. Yvonne Vernon
nghiện ngập bạch phiến, về sau chết vào năm 1918, bởi tiêm nhiều bạch
phiến. Nhà văn Paul Morand thường lui tới với Yvonne Vernon và để lại
cho chúng ta bức phác thảo về cảnh chích choác của Yvonne Vernon trong
quyển ” Journal d’Un Attaché d’Ambassade” ( Nhật Ký Của Người Tùy
Viên Sứ Quán):
”Yvonne lụi sâu ống tiêm vào lưng run rẩy như
mũi tên cắm vào mông con sư tử cái vùng Suse ( bút giả chú thích: thuộc
đại lục nước Ý); một mẩu thuốc lá ở ngậm xéo ở góc môi, nàng dạo trong
appartment, mẩu bông gòn cầm trong tay”.
Trong quyển ”Une
Femme m’Apparut” (Một Người Đàn Bà Xuất Hiện Đến Tôi) trong kỳ tái bản,
Renée Vivien tả Yvonne Vernon huy hoàng hơn, vẻ vang hơn: ”Nàng thiếu
nữ có nụ cười gợi thèm của người đàn bà si tình”.
Yvonne
Vernon đi viếng Nhật, viếng Trung Hoa và Thổ-nhĩ-kỳ trước Renée Vivien.
Nàng ngợi ca Mytilène một eo biển gần đảo Lesbos. Nơi đây, các cô
”lết” cũng đến chiêm bái Nữ thần Thi ca Sapho cũng như ở tại Lesbos.
Yvonne có óc quan sát tinh nhuệ trong công việc mô tả không kém nữ sĩ
Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội của văn chương chúng ta:
”Mytilène
có cái hình thức uốn cong và căng thẳng như cây thụ cầm bập bềnh trên
sóng. Những mũi nhô ra đẫm ánh trăng dường như bọc vảy. Không khí no bứ
mùi hương vanille, và biển bằng phẳng như in những vệt nhiễu khúc
khuỷu, những vệt ấy giống như những vết móng tay vẽ trên một khối hồng
ngọc”.
Yvonne Vernon có hai quyển du ký để Jean-Paul
Goujon viết về Renée Vivien. Đó là ”Terre de Lumière” (Đất Ánh Sáng do
Ollendorf xuất bản (1902) và quyển di cảo Chine-Japon- Stamboul phải
đợi tới 1920 mới được Tolmer xuất bản. Nàng thích trang hoàng chỗ ở theo
kiểu Viễn Đông đã đành, mà còn thích phục sức theo gái Đông Phương Á
Châu. Xin cùng đọc những giòng ghi chú của Paul Morand vào tháng chạp
dương lịch năm 1916 :
”Tối hôm qua, ghé qua nhà Yvonne Sibini.
Nàng ăn mặc theo gái An Nam, quần áo bằng lụa đen bóng, cổ đeo xâu trân
châu; tóc nàng chải ngược ra sau, nàng quá xanh xao, quá thay đổi”.
Vốn thích du lịch các xứ phương Đông, Yvonne Vernon mô tả xứ Thổ-nhĩ-kỳ vào năm 1907 như sau:
”Cái xứ sở mà nơi ấy còn giữ lại thú thưởng ngoạn nước chảy xiết,
dáng vẻ xanh biêng biếc, những hợp điệu màu sắc bỏng cháy, êm dịu và dữ
dội đồng thời thú ngắm sự xa hoa đơn giản và thi vị do sự kết hợp của
đá hoa cương và thú ngắm vẻ hoa mỹ của nghệ thuật thủ bút hoặc là lấy ở
một đoạn kinh Coran viết bằng chữ hoàng kim để trang hoàng mộ bia và ở
suối nước của đường phố, hoặc ở một quán xá hoàng gia, và còn nét
đường viền của một trong các thánh điện với men sứ rạng ngời lên tất cả
vẻ dịu dàng của biển cả qua những cái bóng phản chiếu của rong biển và
của lam ngọc nữa chi”.
*
Mối tình lâu dài nhất của Natalie
Clifford Barney là mối tình giữa nữ danh họa Romaine Brooks và cô ta. Họ
gặp nhau vào năm 1912 hay vào năm 1915, không mụ nào nhớ rõ. Ả này
tuyên bố trước Đệ nhất Thế Chiến. Cô kia tuyên bố là trong thời gian Đệ
nhất Thế Chiến. Gặp ở đâu? Họ cũng quên nốt. Cả hai chỉ nhớ mang máng
hình như trong buổi tiệc trà tại tư thất của Lady Anglesay và cũng có
thể tại biệt thất huy hoàng của vương phi Lucien Murat. Mối tình này kéo
dài nửa thế kỷ, trải qua hai cuộc thế chiến. Tuy dan díu với nhau,
nhưng nhà ai ấy ở. Natalie Clifford Barney ở ???ng Jacob, còn Romaine
Brooks ở đường Passy.
Trong taùc phaạm ”Souvenirs Indiscrets”; Natalie Clifford Barney coù Đoaĩn trang taẽng:
Gửi về Romaine, về người nghệ sĩ duy nhất và cô đơn
Mỗi kẻ trong những bức chân dung của nàng thú nhận niềm bí mật của nàng.
Cái nhìn của nàng là của thiên thần — một thiên thần có cá tánh mạnh
Nhờ tình bạn của chúng tôi, nhờ những mối tình đầu của chúng tôi
Tôi thấy lại quá khứ bừng cháy lửa của tôi và sau đó nó rực rỡ ánh sáng
Romaine
Brooks từ nhỏ bị mẹ bỏ phế cho cô thợ giặt ủi ở New York và sau đó được
người cô cho ở nội trú ăn học trước khi qua Âu Châu sum họp với mẹ. Mẹ
cô chỉ thương yêu thằng em mắc bịnh thần kinh của cô thôi và tỏ ra
nghiệt ngã đối với cô. Từ tuổi ấu thơ cô chịu cảnh bỏ rơi, nghèo đói, sợ
hãi trước viễn ảnh tối đen. Cô tình nguyện trốn tránh trong thế giới
màu sắc và hàng đống núi sách. Về phục sức, cô chọn ba thứ màu đen, xám
và trắng. Cô bỏ học hát và chọn môn hội họa. Năm 1902, mẹ cô qua đời,
cô kết hôn với nghệ sĩ dương cầm John Ellingham Brooks, bị chồng chèn ép
phải bị đẩy đến giải pháp ly dị. Để có tiền sanh nhai, cô vẽ chân dung
cho các mệnh phụ phu nhân. Năm 1910, cô cho triễn lãm tranh lần đầu tiên
của mình tại Durand-Ruel,gặt hái thành công rực rỡ. Báo Figaro nói về
sự chổi dậy, cái đẹp nguyên thủy cùng những nét duyên dáng của họa phẩm
cô. Báo Gil Blas cho rằng:
” … Từ sau các bà Cecilia Beaux
và Mary Cassat, cái tên Romaine Brooks là cái tên độc nhất của những tên
kiều khách ở hải ngoại được tồn tại”.
Thi sĩ Guillaume Apollinaire thì cho rằng:
” Nữ họa gia này vẽ một cách kín đáo, nhưng buồn bã, vâng, thật quá buồn bã!”.
Nỗi buồn ấy được Natalie Clifford bôi xóa trong cuộc sống lứa đôi của
cả hai, nhưng nó vẫn được Romaine Brooks thể hiện lên các họa phẩm chân
dung mà cô ta vẽ thi sĩ kiêm điện ảnh gia Jean Cocteau và thi hào nước Ý
Gabriele d’Annunzio. Ông thi hào này cũng đã có một thuở tằng tịu với
nữ danh họa Mỹ kiều kia. Ông có cảm khái 4 câu thơ về cô ta như sau:
Không có định mệnh nào chế ngự được em, không do sắt cũng không do lửa
Ơi, viên kim cương bí mật của trái tim thơ trinh em
Đứng sững giữa khung trời sẫm buồn và sóng bạc đầu
Em không sợ cú va chạm của đợt sóng thứ mười.
Trong thời gian kết bạn chiếu chăn với Romaine Brooks, Natalie Clifford
Barney vẫn tiếp tục sáng tác thêm các tác phẩm quan trọng như sau:
”Les Nouvelles Pensées de l’Amazone” (Tư Tưởng Mới của Cô Amazone) ,
”Le Trait d’Union” (Gạch Nối),”Traits et Portraits” (Đ?ờng Nét và
Chân Dung)… Trong cuốn tiểu sử viết về văn hào Marcel Proust, Georges
D. Painter cho rằng Natalie Clifford Barney cùng Colette, Bá tước Phu
nhân Anna de Noailles và Nữ Bá Tước Marthe Bibesco là 4 nhà văn lớn.
Natalie khiêm tốn bảo nhà văn Jean Chalon, người đã viết cuốn tiểu sử
của cô ta (cuốn ” Portrait d’Une Séductrice” (Chân Dung Người Đàn Bà
Quyến Rũ) như sau: ” Ông Painter đưa tôi lên tận mây xanh, nhưng từ
trên đó tôi muốn rớt trở lại trần gian để hôn bạn đấy”.
*
Renée Vivien ( tên thiệt là Pauline Tarn) làm một nữ sĩ có thể cùng
Anna de Noailles, Natalie Clifford, Lucie Delarue Madrus xếp hàng đầu
vào thời La Belle Epoque. Nàng là trưởng nữ của John Tarn, vốn giàu
sang vì kế nghiệp tiệm bán bàn ghế và đồ trang hoàng nhà cửa do phụ
thân ông để lại . Mẹ của Renée Vivien là Mary Gillett Bennett vốn người
Mỹ sinh ở Detroit (Michigan), nhưng thiên cư qua Honolulu (Hawai) từ
nhỏ. Bà này vốn lựu đạn, dâm đãng, ích kỷ, thích được thiên hạ ngưỡng
mộ. Khi chồng bà còn sống, bà đã c?m sừng chồng rồi . Dưới Renée Vivien
còn có cô em Harriet Antoinette Tarn mà người thân thuộc gọi là
Toinette. Hai chị em mồ côi cha lúc Renée Vivien 9 tuổi. Gặp phải bà mẹ
đàng điếm, tiêu xài hào phóng cho mình mà keo kiệt với con cái nên hai
chị em thương yêu nhau lắm. Nhung Toinette thì nhu thuận. Còn cô chị thì
ưa phản kháng nên bà mẹ thêm thù ghét. Tới khi gần tắt hơi, trên giường
bịnh, Renée Vivien chỉ nói một câu độc nhất: ”Tôi nguyền rủa mẹ tôi”.
Tuy nhiên trước đó, khi chưa nổi tiếng Renée Vivien có trước tác bài
thơ ” A Ma Mère Chérie” (Gửi Mẹ Yêu) như sau:
Mẹ giống hoa soan trắng
Khi tháng tư mòn khuyết tưng bừng hoa nở,
Ôi bước chân mẹ nhẹ nhàng, êm ái
Thiên hạ sẽ bảo rằng êm như hoa rụng.
*
Đúng ra mẹ rất tươi trẻ như đó là chị của tôi
Lúc nào cũng óng vàng mái tóc, lúc nào cũng xinh đẹp
Mắt mẹ tươi cười một cách dịu dàng
Vẻ duyên dáng của mẹ man mác buồn.
*
Đó là mẹ! Nàng tiên mắt xanh lơ
Rất dễ thương và tự hào bước qua
Nắng chiếu trên tóc vàng của mẹ
Biến thành những sợi chỉ ánh sáng.
*
Dù có đau khổ lâu dài
Mẹ vẫn giữ mùa xuân vĩnh cữu
Trong nỗi sầu muộn, trong trái tim
Giữ mùa xuân vô tận
Trên vầng trán.
*
Mắt mẹ với bóng rợp mịn nhung
Mẹ thường an ủỉ và không hề nói gì cả
Và ta sẽ nhớ mãi
Cái đẹp của nụ cười mẹ.
*
Khi ta đau đớn bởi niềm bất hạnh sâu nặng
Mẹ là kẻ đến trước
Đặt tay mát dịu lên vầng trán của bạn
Như một thiên thần bạn nguyện cầu.
(còn tiếp một kỳ)
HỒ TRƯỜNG AN (France)